Hậu thế chiến, thập niên 50 đưa thời trang lại trong một hình tượng mới: sinh động, nhiều cảm xúc, tái lập truyền thống nhưng bình dị và tối giản. Những chuẩn mực thẩm mỹ từng bị khước từ như eo nhỏ, ngực đầy, vai thon,… đầy quyến rũ và gợi cảm – vốn thực sự là những gì phụ nữ tự bản thân ao ước, nay lại được khôi phục. Thời trang thập niên 50 trả lại sự nữ tính và quý phái sau nửa thế kỷ quá nhiều “rối loạn”. Giờ đây phụ nữ được lựa chọn cách ăn mặc của riêng mình, trong bối cảnh xã hội hiện đại bớt khắt khe và ít phân biệt giai cấp hơn. Phụ nữ của xã hội mới, trút bỏ “nỗi ám ảnh” bởi những chiếc corset thắt chặt lưng ong, cũng như cất giữ đi những năm tháng phóng túng dưới ánh đèn của điệu Jazz trong chiếc đầm Flappers.
Lịch sử thời trang thế kỷ XX tiếp tục ghi nhận những chuyển biến của hình bóng thời trang (silhouette) với váy đầm xòe (full-skirt) và váy bút chì (pencil skirt), được xem là 2 biểu tượng nổi bật nhất của thời trang những năm 1950s.
1. Bối cảnh lịch sử
Những năm cuối 1940s, chiến tranh thế giới II kết thúc cho phép kinh đô thời trang Paris khôi phục lại sự hoa lệ và vị thế quốc tế của mình. Sau khi The New Look của nhà thiết kế Christian Dior ra đời, nhịp điệu của thời trang được đẩy nhanh sau một thời kỳ im ắng quá lâu do khói lửa bom đạn. Có thể nói 1950s là một thập kỷ huy hoàng bởi các nhà thiết kế đại tài đã thay đổi cách thời trang được nhìn nhận từ thế giới. Giai đoạn đầu thập niên 50 là sự xuất hiện của một loạt các hình bóng thời trang mới, “điều hành” thay phiên bởi Christian Dior và Cristóbal Balenciaga. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ của thập niên trước hoàn toàn trở nên lỗi thời, các thiết kế mới có bờ vai thon nhỏ, chiết eo, nhấn ngực,… nhanh chóng quyết định diện mạo của thời trang Paris và toàn Châu Âu.
2. Đặc trưng
Hình bóng chữ V của thập niên 30 di chuyển sang kiểu dáng “đồng hồ cát” bởi The New Look của Christian Dior từ rất sớm, bắt đầu từ những năm cuối 1940s và trở thành phong cách thời trang chủ đạo trong giai đoạn giữa thế kỷ XX. Ra mắt vào năm 1947, thiết kế Bar-suit của Christian Dior ngay lập tức gây tiếng vang bởi không chỉ gợi nhớ lại thời kỳ vàng son của trang phục trong thế kỷ XVIII – XIX mà còn vạch ra hướng đi của thời trang trong tương lai.
Xem thêm: 4 nguyên liệu tẩy trắng giày hiệu quả tại nhà
Nhà thiết kế Christian Dior chính thức giới thiệu kiểu váy bút chì (hình bóng chữ H) trong bộ sưu tập Thu Đông 1954. Lấy cảm hứng từ kiểu váy Hobble – một xu hướng ngắn ngủi trong những năm 1910s, những chiếc váy bút chì có thể xem là một trong những hình bóng hoàn thiện nhất của thời trang cổ điển. Cho đến nay, phong cách thời trang thập niên 50 chủ yếu xoay quanh các thiết kế của nhà thời trang bậc thầy Christian Dior, chú trọng theo đuổi những đường cong tự nhiên, thắt lại ở vùng eo và ôm nhẹ gọn gàng thân trên, tôn lên vóc dáng nuột nà giữa các đường cong cổ vai, hông eo.
Thập niên 50 theo đuổi trường phái chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) – phát triển ở Mỹ từ những năm 1940s. Do đó, thời trang của thập kỷ này cũng chịu ảnh hưởng của đường lối nghệ thuật biểu hiện trừu tượng, thông qua những thiết kế mang phong cách Avant Garde của Cristóbal Balenciaga. Được Christian Dior tôn sùng là nhà Couturied vĩ đại của thời trang, nhà thiết kế Balenciaga đã cống hiến cho nhân loại những ý tưởng sáng tạo không giới hạn đối với hình bóng thời trang.
Mỗi thiết kế của Balenciaga chính là tiền đề của thời trang Haute Couture giai đoạn cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XIX. Điển hình với “Unfitted”, một phom dáng xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1951, được tạp chí Vogue thời bấy giờ gọi tên là Chemise hay T-shirt dress. Kiểu dáng này thịnh hành nhất từ năm 1954, dần dần “nới lỏng” cho vùng eo thặt chặt của The New Look và mở ra nhiều sáng kiến mới để tái cấu trúc, kết cấu và thiết kế nên những hình bóng thời trang mà chúng ta được thừa hưởng ngày nay.Balenciaga, 1958
Hình bóng chữ nhật mang tính “cải cách thời trang” của Coco Chanel, gần như đối lập với The New Look trong tiêu chuẩn đề cao sự thoái mái, vẫn tồn tại từ suốt thập niên 20 đến hết những năm 50. Thập niên này chứng kiến sự ra đời của những chiếc jacket và suit-dress bằng vải tweed, trở thành một trong những biểu tượng của Coco Chanel. Dù vậy, trong giai đoạn 1950 – 1960, hình ảnh hình chiếc váy eo nhỏ vẫn mang dấu ấn đậm nét hơn cả.1955 Models in suits by Chanel – photo by Willy Rizzo, Paris Chanel suit 1961
Phụ nữ đã sử dụng quần từ thập niên 30, chủ yếu để thuận tiện làm việc tại các nhà máy trong suốt giai đoạn chiến tranh. Sự tự do và thoái mái này trở thành nguồn cảm hứng trong thời trang, trở thành một trong những phong cách ăn mặc thịnh hành cho nữ giới thập niên 50. Thay vì là những chiếc quần thủy thủ như ở thập kỷ trước, các kiểu quần trong những năm 50 được thiết kế ống hẹp hơn, dài đến mắt cá chân hoặc cắt ngắn đến giữa bắp chân hoặc đầu gối. Đây cũng chính là nguồn gốc của kiểu quần capri hay bermuda (xuất hiện vào khoảng 1954), được ứng dụng như một món đồ thời trang thiết thực cho nữ và nam giới hiện đại ngày nay.
Mặc dù thập niên 30 đã sản sinh ra rất nhiều vật liệu mới trong may mặc, tuy nhiên thành tựu Công Nghệ may mà thập niên nay mang đến cũng vô cùng nổi bật. Các loại sợi nhân tạo như taffeta, nylon, rayon, spandex,.. ngày càng được nhiều người sử dụng hơn bởi giá thành tốt và dễ dàng chăm sóc, giặt giũ. Sắc màu thời trang của thập niên 50 cũng sinh động và phong phú hơn với cuộc “đổ bộ” của hàng loạt các kiểu hoa văn, họa tiết, thêu, đan, móc trang trí từ hoa lá, kẻ sọc, in động vật,… Trong số đó, chấm bi và hình ảnh chú chó poodle được xem là những biểu tượng nữ tính của thời trang những năm 1950.
Giai đoạn cuối của thập kỷ này đã mở ra thời kỳ sơ khai của những chiếc kính mát – một trong những item thời trang thống trị suốt nửa cuối thế kỷ XX. Những chiếc kính mát kinh điển có tính phổ biến vượt thời gian như Wayfarers – sản xuất bởi Ray-ban từ năm 1956, và kính mắt mèo (Cat-eyes) bắt đầu được sử dụng và rất phổ biến trong các thập niên kế tiếp sau đó.1950’s Record Player
3. Tính phổ biến
Thời trang thập niên 50 là nguồn cảm hứng có chu kỳ ngắn nhất, thường xuyên quay trở lại và phát triển thành các trào lưu xu hướng có sức lan tỏa lớn trên khắp thế giới. Các thế hệ từ sau 1950s cho đến hiện tại đã nhìn thấy phong cách thời trang thập 50 được “nhắc lại” liên tục, từ sàn diễn thời trang cao cấp, cho đến những biến tấu khác nhau trong thời trang ready-to-wear và street-style. Sự hồi sinh ấn tượng nhất của thời trang thập niên 50 kéo dài đã gần nửa thập kỷ nay, dưới màu sắc vintage và cảm hứng retro, được các tín đồ thời trang yêu chuộng trên mọi phương diện.
Thập niên 50 có thể được xem là sự khởi đầu của thời trang phương Đông. Mang ảnh hưởng của thời trang tây phương, thay vì những bộ trang phục truyền thống, nam giới Ấn Độ bắt đầu mặc những chiếc áo Tunic cổ Mandarin với mũ Fez từ năm 1959, hay Sherwani được chuyển thành những chiếc áo sơ mi cổ Nehru, mặc dù phụ nữ vẫn mặc Sarees trong mọi trường hợp. Trong khi đó, Trung Quốc đã sản sinh ra kiểu Mao suit mang màu sắc của các giá trị xã hội chủ nghĩa (xanh lá cây, xanh dương, xám). Phong cách Mao suit này ảnh hưởng ngược sang phương tây bởi phong cách Mod trong các thập niên 60 – 70, các tên tuổi tiêu biểu có thể kể đến như The Beatles và The Monkees.
Nếu như trước kia, những người trẻ tuổi noi theo cách ăn mặc chuẩn mực của các bậc cha mẹ và trưởng bối. Từ cuối 1940s và chính thức trong những năm 1950s, thời trang tấn công vào thế hệ trẻ tuổi. Các thuật ngữ phong cách cũng như tên gọi của các nhóm thanh thiếu niên theo đuổi khái niệm “thời trang đích thực của giới trẻ”, bắt đầu xuất hiện từ thập niên 50, được ghi nhận là dòng chảy lịch sử quan trọng của thời trang. Hiện tượng này có mặt ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là những chàng trai Teddy của Anh, tại Bắc Mỹ (Canada) nhóm tiểu văn hóa này được gọi là Greasers, nhóm Beatnik chính thức được gọi tên khoảng vào 1958 tại Mỹ (San Francisco), tại Thụy Điển có Raggare, Nam Phi là Duck-tails hay ở Nhật Bản các thanh thiếu niên này được gọi là Yankee. Hầu hết các nhóm văn hóa kể trên, hoặc sinh ra, hoặc chịu ảnh hưởng của thời trang thập niên 50 và là fan của các nền âm nhạc Doo Wop, Rock & Roll, Jazz, Blues, Country,… Danh ca Elvis Presley, thuộc nhóm Beatnik, được xem là một trong những nhân vật biểu tượng của phong cách thời trang nam thập niên 50, dưới ảnh hưởng của âm nhạc Rock and Roll.
4. Nhãn hiệu & Nhà thiết kế
1950s là một thập kỷ có giá trị lịch sử quan trọng trong thời trang thế kỷ XX. Những năm tháng này chứng kiến sự hồi sinh của thời trang Pháp, khẳng định tư duy tiến bộ vượt thời gian của Chanel, đón nhận “diện mạo mới” của thời trang bởi Dior và định nghĩa Haute Couture qua những thiết kế đi trước thời đại của Balenciaga.
Thập niên 50 còn là giai đoạn bắt đầu sự nghiệp thời trang của các nhà thiết kế trẻ kiệt xuất như Yves Saint Laurent – người kế nhiệm và được bảo trợ bởi Christian Dior. Saint Laurent đã mang đến cho thập kỷ này một hình bóng thời trang mới mang tên “Trapeze Line” vào năm 1958. Phong cách thiết kế của Saint Laurent trong thập niên 50 kế thừa cảm hứng của Christian Dior qua những thiết kế Hobble skirt (hay váy bút chì) và mang khái niệm “thế hệ trẻ” với trào lưu Beatnik.Yves Saint Laurent for Dior -Trapeze dress 1958.
Được biết đến với phong cách tinh tế và sang trọng, nhà thiết kế Pierre Balmain theo đuổi “tính kiến trúc” trong thời trang. Phong cách thiết kế của thương hiệu này lúc ban đầu chịu ảnh hưởng từ kiểu váy chuông và vòng eo nhỏ của The New Look. Nhà thời trang Balmain là nơi phát hiện tài năng của “ông hoàng” Karl Lagerfeld – để sau này trở thành người trấn giữ linh hồn của nhà Chanel.
Cuộc gặp gỡ của nhà thiết kế Hubert de Givenchy và Audrey Hepburn năm 1953, đã trở thành niềm cảm hứng mạnh liệt của nhà thời trang Givenchy từ thập niên 50 cho đến nay. Bên cạnh đó, nhà Coutureir đại tài Cristóbal Balenciaga là thần tượng, và cũng chính là nhân vật thúc đẩy sự ra đời của Givenchy Haute Couture. Nhà thiết kế Hubert de Givenchy đã mang đến những hình bóng thời trang mang phong cách riêng của mình như Sack dress (1957), the Little-Black dress (1961). Mỗi thiết kế của ông đóng góp cho ký ức thời trang thế kỷ XX, cũng như mang đến dấu ấn mạnh mẽ cho nền điện ảnh cổ điển, thông qua con đường sự nghiệp của “người bạn tri kỷ” Audrey Hepburn.Sack dresses Givenchy 1957
5. Các gương mặt đại diện
Nữ diễn viên Grace Kelly (1929 – 1982) là một trong những nhân vật biểu tượng cho phong cách thời trang thập niên 50. Cái tên “Grace Kelly” được chọn để đặt tên cho dòng túi Birkin nổi tiếng của Hermès. Trên thực tế, chiếc túi ra đời trong thập niên 30, nhưng chỉ đến khi được sử dụng bởi Grace Kelly vào năm 1956, chiếc túi này mới bắt đầu được chú ý, được xem là một trong những item mang tính di sản của Hermès ngày nay.
Nữ minh tinh Audrey Hepburn (1929 – 1993) không chỉ là biểu tượng sắc đẹp cổ điển của mọi thời đại mà còn là “nàng thơ Gamine” duyên dáng nhất của lịch sử thời trang. Phong cách tính tế, thanh lịch của Audrey Hepburn đã đánh cắp “trái tim” của các nhà thời trang danh tiếng bậc nhất của thế kỷ XX. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra các vai diễn mà Audrey Hepburn đảm nhận, đặc biệt là trong suốt thập niên 50 – 60 đều chịu ảnh hưởng bởi phong cách ăn mặc đời thường của cô. Dẫn chứng như phong cách sơ mi kết hợp full-skirt của nàng công chúa Ann trong bộ phim Roman Holiday (1953), người phụ nữ “thức tỉnh” sau tổn thương với chiếc váy Larrabee-party trong Sabrina (1954), cô gái nhút nhát với phong cách Beatnik “all in black” với quần capri và giầy búp bê trong Funny Face (1957) hay quý cô Holly Golightly với chiếc kính Manhattan (by Oliver Goldsmith) trong phim Breakfast at Tiffany’s (1961).