Gucci là thương hiệu thời trang có triết lý thiết kế hiện đại và đổi mới, với tinh thần quý tộc và kỹ nghệ thủ công bậc thầy mang tính di sản của Ý.
1. Tính biểu tượng
Sự đồng bộ về tư duy và triết lý thẩm mỹ được gìn giữ qua nhiều thế hệ của nhà Gucci. Bắt nguồn từ lối sống xa hoa và phô trương của giới quý tộc Châu Âu những năm đầu thế kỷ 20, nghề thủ công bậc thầy và thẩm mỹ nghệ thuật thời trang đậm chất Ý đã cho ra đời các “tác phẩm” chất lượng cao cấp, xa xỉ và có giá trị vượt thời gian.
Các di sản thiết kế mang tính biểu tượng của nhà Gucci, mang cảm hứng chủ đạo từ những thú tiêu khiển thượng lưu lúc bấy giờ như cưỡi ngựa và du lịch. Trong đó, “Block” màu sắc xanh lá – đỏ – xanh lá lấy ý tưởng từ đai yên ngựa; hay khóa kim loại Horsebit (hàm thiếc ngựa), đặc trưng trang trí trên những đôi Moccasin của hãng và ứng dụng trên thắt lưng, túi xách, trang sức; các monogram tạo hình từ mạng lưới các chữ G đôi với logo 2 chữ G lồng ghép vào nhau, được ra đời năm 1960. Sự đổi mới trong thời trang và tôn vinh nghề thủ công truyền thống của Ý, đã đưa tên tuổi Gucci trở thành một trong những thương hiệu thời trang Ý cao cấp và sành điệu nhất trên thế giới.
2. Lịch sử sáng lập
The House of Gucci được sáng lập bởi Guccio Gucci vào năm 1921 tại Florence, thành phố được xem là biểu tượng thời trang của Ý ngày nay. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại London, chàng trai trẻ Guccio Gucci sở hữu tầm nhìn sâu sắc đối với thời trang cao cấp của giới quý tộc Anh và Pháp. Gucci đã áp dụng những kỹ thuật thủ công bậc thầy của các nghệ nhân vùng Tuscan, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao và thẩm mỹ tinh tế, được ưa chuộng bởi khách hàng quốc tế lẫn quý tộc Ý.
Năm 1953, với sự ra đi của Guccio Gucci, công ty lần lượt được tiếp quản bởi những người con của ông. Lịch sử phát triển toàn cầu của Gucci trải qua nhiều biến động mạnh mẽ, cột trụ quan trong nhất phải kể đến kỷ nguyên của giám đốc sáng tạo Tom Ford, từ 1994 – 2004, gây tiếng vang bởi sự táo bạo và góp phần vực dậy thương hiệu. Năm 1999, Gucci liên minh chiến lược với Pinault-Printemps-Redoubte (PPR), chuyển đổi từ công độc lập thành tập đoàn đa thương hiệu. Hiện nay, The House of Gucci hay Gucci Group, được chủ quản bởi tập đoàn Kering (trước đây là PPR). Marco Bizzari được bổ nhiệm làm CEO từ tháng 12/2014 và Alessandro Michele chính thức trở thành giám đốc sáng tạo của nhà Gucci vào ngày 21/01/2015.
3. Thông tin thương nghiệp
Theo báo cáo công bố từ Kering vào tháng 2/2015, Gucci hiện nay sở hữu 505 cửa hàng hoạt động trực tiếp trên toàn cầu với hơn 4000 sản phẩm hiển thị trực tuyến, đáp ứng tại Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan. Thành công của thương hiệu Gucci trong gần 1 thế kỷ, thể hiện qua sự bền vững trong triết lý thương hiệu và định vị đối tượng khách hàng thượng lưu, đồng thời tôn vinh các giá trị kinh điển của nghề thủ công địa phương, và giữ gìn tính di sản của thương hiệu.
Ngày nay, giá trị cao cấp “Make in Italia” của Gucci gắn liền với trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, đảm bảo 100% sản phẩm đều được sản xuất tại các xưởng ở Florence, đáp ứng công việc cho hơn 45.000 nhân công trong nước. Di sản thủ công được truyền qua nhiều thế hệ của gia đình nghệ nhân vùng Tuscan, trở thành niềm tự hào của Gucci, và là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp thời trang cao cấp Italia.
Từ 2005, Gucci cam kết hoạt động lâu dài với UNICEF. Thương hiệu này luôn tích cực tham gia đóng góp, nguyện thiện cũng như hỗ trợ các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em tại Châu Phi và Châu Á. Năm 2013, Gucci thành lập dự án gây quỹ toàn cầu Chime For Change, đồng thời hợp tác với Kering Foundation Corporate trong nỗ lực tuyên truyền, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
4. Các dòng sản phẩm
Các dòng sản phẩm của Gucci bao gồm trang phục, túi xách, phụ kiện thời trang và du lịch, các mặt hàng chất liệu da, nước hoa, đồng hồ, kính mắt, trang sức và mỹ phẩm, cũng như thời trang thú cưng và các mặt hàng Lifestyle cao cấp khác. Hai dòng sản phẩm thời trang nữ và nam giới là chủ đạo của The House of Gucci, bao gồm thiết kế và sản xuất theo 2 mùa chính trong năm với các chiến dịch quảng cáo và trình diễn bộ sưu tập.
Dòng sản phẩm Gucci Kids dành cho các khách hàng nhí của giới thượng lưu, cũng như phụ kiện dành cho mẹ và trẻ sơ sinh, ra mắt từ tháng 6/2010. Gucci chính thức tung ra dòng sản phẩm Làm đẹp – Gucci Beauty vào tháng 5/2014, bao gồm các mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm. Trong đó, Fragrance thuộc Gucci Beauty đã được giới thiệu trước đó rất lâu, lần đầu tiên là Gucci No.1 dành cho nữ từ năm 1974. Hiện nay, Gucci có khoảng 49 loại nước hoa với cơ sở mùi hương được chế tác theo cảm thức tinh tế của Ý.
5. Gương mặt đại diện
Năm 2009, nam diễn viên Hollywood, James Franco là gương mặt đại diện cho dòng sản phẩm Gucci Fragrance dành cho nam giới.
Năm 2014, thương hiệu Gucci cho ra mắt dòng sản phẩm Gucci Beauty và lựa chọn Charlotte Casiraghi, con gái của công chúa Monaco, trở thành nàng thơ cho các chiến dịch giới thiệu sản phẩm mới của mình. Cùng trong năm 2014, biểu tượng gợi cảm của làng thời trang thế giới – Kate Moss, xuất hiện là đại sứ thương hiệu của Gucci trong chiến dịch quảng cáo mẫu túi xách mới Jackie Hobo.
Cựu hoa hậu, nữ diễn viên và người mẫu Israel, Gal Gadot trở thành gương mặt đại diện cho dòng sản phẩm Gucci Bamboo 2015, công bố từ tháng 3/2015 trên tài khoản Facebook của chính cô.
6. Bộ sưu tập
Style “mọt sách” đậm chất Âu Mỹ trong Gucci Thu Đông 2015
Gucci Cruise 2016 – Các cô nàng mọt sách sành điệu
7. Thị trường Châu Á
Bắt đầu từ những năm 1970, thương hiệu Gucci bắt đầu mở rộng ra ngoài thị trường Châu Âu với tham vọng toàn cầu của Aldo Gucci, con trai nhà sáng lập Guccio Gucci. Thị trường Châu Á là mục tiêu nhiều tiềm năng, bắt đầu bằng những cửa hàng Gucci xa xỉ đặt tại Tokyo và Hong Kong.
Thị phần cao cấp của Đông Nam Á đạt sự tăng trưởng cao nhất những năm gần đây. Trung Quốc là quốc gia sở hữu lượng khách hàng có những chi tiêu xa hoa và sức mua sắm đáng kể, chiếm đến 1/3 tổng số các tín đồ Gucci trên toàn thế giới, Ngoài ra, các thị trường trẻ đáng ngạc nhiên phải kể đến như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Ngày 15/05/2007, Gucci khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại khách sạn Sheraton, Sài Gòn và cửa hàng thứ 2 của Gucci tại Việt Nam, chính thức mở cửa tại trung tâm thủ đô Hà Nội vào ngày 08/08/2010.
8. Các nhãn hiệu liên quan
Theo xếp hạng của Forbes tính đến tháng 5/2015, Gucci hiện nay đứng thứ 42 trong danh sách các thương hiệu đáng giá nhất thế giới. Gucci Group đứng thứ 2 trong các tập đoàn thời trang quyền lực nhất hành tinh, chỉ đứng sau LVMH và là thương hiệu Ý bán chạy nhất thế giới.
Hiện nay, tập đoàn Kering là đơn vị chủ quản các công ty thời trang, thể thao và Lifestyle cao cấp hàng đầu thế giới, bao gồm: Gucci, Bottega Veneta, Saint Laurent, Alexander McQueen, Balenciaga, Brioni, Christopher Kane, MCQ, Stella McCartney, Tomas Maier, Sergio Rossi, Boucheron, Dodo, Girard-Perregaux, Jean Richard, Pomellato, Qeelin và Ulysse Nardin, Puma, Volcom, Cobra, Electric và Tretorn.
Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele tốt nghiệp tại đại học Accademia di Costume e di Moda, Rome. Ông là nhà thiết kế phụ kiện của Fendi trước khi chuyển đến văn phòng thiết kế của Gucci từ năm 2002.
Gucci Timepieces thông báo hợp tác cùng rapper người Mỹ Will.i.am nhân sự kiện Baselworld 2015 để phát triển công nghệ Wearable, một khái niệm sáng tạo mới của ngành sản xuất đồng hồ cao cấp.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gucci